Thiết kế và phát triển De Havilland Vampire

Vampire được coi như là một thiết kế thử nghiệm lớn do nó có cách bố trí không chính thống và sử dụng chỉ 1 động cơ, không như Gloster Meteor trang bị 2 động cơ và có thiết kế truyền thống. Các động cơ phản lực ban đầu của Anh có hiệu suất thấp nên chỉ có các thiết kế máy bay 2 động cơ mới được xem xét thực tế; nhưng các động cơ công suất cao khác lần lượt được phát triển, đặc biệt là mẫu động cơ H.1 của Frank Halford (sau này còn được gọi là Goblin), nhờ vào đó máy bay tiêm kích phản lực 1 động cơ trở nên khả thi hơn. De Havilland đã tiếp cận với việc sản xuất một khung thân trang bị H.1, và thiết kế đầu tiên của họ là DH.99 là một mẫu máy bay có 3 càng đáp, xà dọc kép, hoàn toàn bằng kim loại, được trang bị 4 khẩu pháo. Việc sử dụng xà dọc kép (tương tự như Lockheed P-38) giúp cho ống xả của động cơ ngắn nhờ đó tránh được tổn hao năng lượng như với ống xả dài trang bị trên các khung máy bay thông thường. DH.99 đã được sửa đổi để có thể được chế tạo từ gỗ và kim loại theo các khuyến cáo của Bộ sản xuất máy bay, và thiết kế được đánh số lại thành DH.100 vào tháng 11-1941.[2]

Bố trí bên trong của một chiếc Vampire FB Mk2

Theo đặc tả kỹ thuật E.6/41 cho 2 nguyên mẫu, việc thiết kế trên mẫu DH.100 bắt đầu tại de Havilland ở Hatfield vào giữa năm 1942, 2 năm sau loại Meteor.[3]

Tên ban đầu của máy bay là "Spider Crab", đây hoàn toàn là một đề án của de Havilland, khai thác kinh nghiệm của công ty trong việc chế tạo máy bay bằng gỗ. Nhiều tính năng thiết kế cơ bản lần đầu tiên được sử dụng trong máy bay ném bom Mosquito của họ. Nó có kiểu cánh thẳng và một động cơ phản lực đặt ở trong khung thân máy bay có hình quả trứng, vỏ ngoài máy bay làm bằng nhôm.

Geoffrey de Havilland Jr là phi công thử nghiệm trưởng của de Havilland và cũng là con trai của người sáng lập công ty, đã bay thử nguyên mẫu LZ548/G vào ngày 20/9/1943 từ Hatfield.[4] Chuyến bay đã diễn ra chỉ sau chuyến bay đầu tiên của Meteor có 6 tháng. Chuyến bay đầu tiên của Vampire đã bị trì hoãn do cần phải gửi động cơ duy nhất còn lại tới Lockheed để thay thế cho một động cơ đã bị phá hủy trong thử nghiệm dưới mặt đất của nguyên mẫu XP-80. Vampire Mk I không được sản xuất cho đến tận tháng 4/1945, hầu hết chúng được chế tạo tại nhà máy của English Electric Aircraft do những các cơ sở sản xuất của de Havilland đang phải bận rộn sản xuất các loại máy bay khác. Dù RAF rất mong muốn sớm được trang bị loại máy bay này, nhưng nó vẫn phải tiếp tục phát triển cho đến khi chiến tranh kết thúc, và chưa được đưa vào tham chiếm trong Chiến tranh Thế giới II.

Một chiếc FB.5 một chỗ (trước) và một chiếc T.11 hai chỗ VampireVampire FB.52 trước khi được giao cho Không quân Iraq năm 1952

Chiếc Vampire đầu tiên được trang bị động cơ Halford H1 (sau này đổi tên thành "Goblin") tạo lực đẩy 2,100 lbf (9.3 kN), do Frank B Halford thiết kế và de Havilland chế tạo. Động cơ là kiểu luồng ly tâm, kiểu động cơ này đã sớm bị thay thế ngay sau chiến tranh bằng các loại động cơ luồng hướng tâm. Ban đầu, khi máy bay trang bị động cơ Goblin, nó chỉ có tầm hoạt động rất hạn chế. Đây là một vấn đề phổ biến với tất cả các loại máy bay phản lực đời đầu, sau đó người ta đã cải thiện vấn đề này nhờ khả năng mang nhiên liệu trên các máy bay. Khi thiết kế được cải thiện động cơ cũng được nâng cấp. Sau này những chiếc Mk I thường trang bị động cơ Goblin II; từ F.3 trở đi trang bị động cơ Goblin III. Một số mẫu máy bay được dùng để thử nghiệm tĩnh cho Rolls-Royce Nene nhưng không được đưa vào sản xuất. Một đặc tính bất thường của việc đặt động cơ thấp là chiếc Vampire không thể đáp ở một chỗ quá lâu khi động cơ đang chạy, vì sức nóng tỏa ra từ động cơ sẽ làm tan chảy bề mặt đường băng.

De Havilland đã khởi xướng một dự án tiêm kích bay đêm của riêng mình mang mã DH.113 dành cho xuất khẩu, trang bị buồng lái 2 chỗ dựa trên mẫu máy bay tiêm kích đêm Mosquito, và phần mũi dài hơn để chứa radar AI Mk X. Không quân Ai Cập đã đặt hàng loại máy bay tiêm kích đêm này, nhưng đơn hàng đã bị chính phủ Anh chặn lại, do Anh thực hiện cấm vận vũ khí đối với Ai Cập. Thay vào đó RAF đã nhận đơn hàng và đưa những máy bay này vào biên chế tạm thời khi những chiếc tiêm kích đêm de Havilland Mosquito nghỉ hưu và loại tiêm kích đêm Meteor được đưa vào sử dụng chính thức.[5] Bỏ radar từ bản tiêm kích đêm và trang bị hệ thống điều khiển kép, de Havilland đã chế tạo phiên bản huấn luyện mang tên DH.115 Vampire hay Vampire T.11. Phiên bản này được chế tạo với số lượng lớn, cho cả RAF và xuất khẩu.[6]

Tổng cộng đã có 3.268 chiếc Vampire thuộc 15 phiên bản được chế tạo, bao gồm phiên bản tiêm kích đêm 2 chỗ, phiên bản huấn luyện và phiên bản trang bị trên tàu sân bay có tên gọi Sea Vampire.

Vampire được trang bị cho không quân 31 nước. Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ là các cường quốc Phương tây duy nhất không sử dụng loại máy bay này.

Hồ sơ và thành tựu

Chiếc tàu sân bay đầu tiên thực hiện cất hạ cánh máy bay phản lực vào năm 1945 - phi công Eric "Winkle" Brown thực hiện cất cánh từ HMS Ocean

Ngày 8/6/1946, Vampire được giới thiệu với công chúng Anh khi Phi đội số 247 RAF thuộc Bộ chỉ huy tiêm kích RAF được trao nhiệm vụ dẫn đầu nhóm máy bay diễu hành bay qua London nhân ngày kỷ niệm chiến thắng.[7]

Vampire là một máy bay đa năng, thiết lập nhiều kỷ lục hàng không, nó là chiếc tiêm kích đầu tiên của RAF đạt tốc độ trên 500 mph (800 km/h). Ngày 3/12/1945, một chiếc Sea Vampire do đại úy Eric "Winkle" Brown điều khiển đã trở thành chiếc máy bay phản lực đầu tiên cất hạ cánh từ một tàu sân bay.[8][N 1]

Những chiếc Vampire được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm từ năm 1947 tới 1955 để phát triển các máy bay tiêm kích có ít bánh đáp nhưng vẫn có thể hoạt động trên các sàn cao su đàn hổi của tàu sân bay, loại sàn này cho phép loại trừ phần nào trọng lượng và sự phức tạp của bộ bánh đáp.[10] Mặc dù các cuộc thử nghiệm về kỹ thuật cho thấy tính khả thi, với nhiều lần hạ cánh được thực hiện với bộ bánh đáp thụt vào trên sàn cao su cả ở sân bay Farnborough và tàu sân bay HMS Warrior, nhưng nó không nhận được sự phản hồi tích cực và không được thử nghiệm thêm nữa.[11] Ngày 23/3/1948, John Cunningham điều khiển một chiếc Mk I được sửa đổi đầu cánh mở rộng và trang bị động cơ de Havilland Ghost đã thiết lập một kỷ lục thế giới mới về độ cao, khi chiếc máy bay đạt độ cao 59,446 ft (18,119 m).[12]

Ngày 14/7/1948, 6 chiếc Vampire F.3 thuộc phi đội số 54 RAF trở thành những chiếc máy bay phản lực đầu tiên bay qua Đại Tây Dương. Những chiếc máy bay này tạm dừng ở Stornoway, Outer Hebrides, Scotland; Keflavik, IcelandGoose Bay tại Labrador, trước khi hạ cánh xuống Montreal nhằm bắt đầu chuyến viếng thăm thiện chí hàng năm tới CanadaHoa Kỳ, tại đây chúng sẽ trình diễn các tiết mục biểu diễn nhào lộn trên không.

Cùng lúc đó, đại tá không quân Mỹ David C. Schilling dẫn đầu một nhóm F-80 Shooting Star bay tới Căn cứ không quân Fürstenfeldbruck tại Đức. Đã có những mâu thuẫn nảy sinh sau đó liên quan tới cuộc cạnh tranh giữa RAF và USAF về việc ai là người đầu tiên bay qua Đại Tây Dương bằng máy bay phản lực. Một báo cáo nói rằng phi đội của USAF đã trì hoãn nhiệm vụ của mình để những chiếc Vampire trở thành những "máy bay phản lực đầu tiên bay qua Đại Tây Dương".[13] Một báo cáo khác lại nói rằng các phi công Vampire đã tổ chức buổi ăn mừng "cuộc đua chiến thắng chống lại đối thủ F-80"[14]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: De Havilland Vampire http://www.aviationmuseum.com.au/aircraft/ http://www.airforce.gov.au/raafmuseum/research/air... http://members.iinet.net.au/~2fts/index.html http://www.asmac.ab.ca/collection.html http://www.dumfriesaviationmuseum.com http://www.flickr.com/photos/naudy/5378345793/in/p... http://www.scribd.com/doc/46602230 http://www.warbirdalley.com/vampire.htm http://www.youtube.com/watch?v=zmXe3Rssz_g&feature... http://aviation-safety.net/wikibase/wiki.php?id=65...